Từ đầu mùa mưa bão năm 2014 đến nay, bờ biển Cửa Đại – Hội An đã bị nước biển xâm thực gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, kéo dài đến gần 2 km. Nhiều chỗ sạt lở lấn sâu vào đất liền đến gần 50 m.
Giữa tháng 7/2015 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam... huy động các nguồn lực thực hiện dự án “Xử lý sạt lở biển Cửa Đại” để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu ven biển Cửa Đại... đáp ứng yêu cầu về công tác thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Bờ kè mềm bằng bao tải.
Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học với các ngành chức năng, nhà khoa học đầu ngành để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp chống xói lở biển Cửa Đại, nhưng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân, giải pháp xác đáng. Ông Lê Công Sĩ - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, biển đã xâm lấn bờ biển tại khu vực phường hơn 1km, ăn sâu vào đất liền nhiều đoạn từ 30 đến 50 m.
Một số chuyên gia đầu ngành cho biết: Hiện tượng xói lở Cửa Đại liên quan rất nhiều đến thiếu hụt nguồn cát trên thượng nguồn trở xuống. Điều này thấy rõ nhất là xói lở ở cửa sông, chứ không xói lở tất cả bờ biển Quảng Nam. Về lâu dài, tình trạng khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn rất nghiêm trọng, làm suy giảm nguồn cát ở thượng lưu, ảnh hưởng đến bờ biển Cửa Đại.
Dọc khu vực từ cửa sông Thu Bồn (Cửa Đại) đến bãi tắm Cửa Đại có hơn 50 hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch, 13 nhà hàng, 4 khách sạn. Doanh thu của các đơn vị này giảm hẳn, do lượng khách ít dần, đặc biệt là lượng khách lưu trú.
Bờ kè bị sóng biển cuốn trôi.
Từ đầu năm 2015 này, nhiều hộ kinh doanh, nhà hàng, khách sạn đã đề nghị được miễn giảm thuế. Chính vì vậy, nguồn thu cho ngân sách của địa phương cũng tụt giảm. Cho đến thời điểm này, bãi tắm Cửa Đại, nơi thu hút lượng khách du lịch đông nhất xem như đã hoàn toàn xóa sổ do bị nước biển xâm thực.
Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế, TP. Hội An cho biết, hàng loạt các văn bản về dự án “Xây dựng kè chống xâm thực bờ biển Hội An” (khu vực phường Cửa Đại đến phường Cẩm An) đã được Bộ NN&PTNT thỏa thuận đầu tư xây dựng từ tháng 12/2010. Tuy nhiên, cái khó vẫn là nguồn vốn kinh phí thực hiện dự án...
Năm 2014, TP. Hội An đầu tư cấp bách tuyến kè mềm bằng biện pháp gia cố tuyến bờ biển sạt lở bằng bao tải cỡ lớn, đựng cát xếp chồng lên nhiều lớp dọc nơi sạt lở. Năm 2015, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn xung yếu khoảng 100 m, với tổng kinh phí 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, hiện không còn hiệu quả. Mùa mưa bão sắp tới, e rằng biện pháp kè mềm này sẽ trôi xuống biển, đồng nghĩa với việc 25 tỷ đồng cũng "hô biến" theo.
Hàng dừa ven biển vốn để giữ đất, tạo bóng mát cho du khách, nay đang dần bị cuốn phăng.
Trong khi đó, giải pháp tổng thể tuyến kè bờ biển của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và Trung ương để xây dựng kè chống sạt lở vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào cụ thể. Theo bà Vân, hiện nay phòng Kinh tế đã báo cáo, tham mưu UBND TP. Hội An đề ra những giải pháp như: tiếp tục biện pháp kè giữ bờ biển, đề xuất giải pháp về nguồn vốn đầu tư đồng bộ cho toàn bộ các tuyến kè từ nguồn vốn Trung ương, tỉnh, địa phương và nguồn vốn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn ven biển.
Chính quyền và cư dân TP. Hội An trăn trở, về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp như: triển khai trồng cây xanh chống sạt lở ven biển, nạo vét, tạo luồng vùng cửa sông Thu Bồn... Quan trọng nhất, UBND tỉnh Quảng Nam, Trung ương cần sớm có giải pháp tổng thể xây dựng kè toàn tuyến và nguồn vốn để biển Cửa Đại được thực thi các giải pháp chống sạt lở một cách khả thi. Nếu không sớm giải quyết thực trạng này, thì không chỉ bờ biển Cửa Đại sạt lở, mà biển Cẩm An, hay nhiều bờ biển chạy dọc đó theo hướng Bắc ra phía Đà Nẵng cũng bị uy hiếp trong thời gian sắp tới.
Theo Tài Nguyên & Môi Trường
Nguồn bài viết : TK lần xuất hiện