Hỗ trợ hộ nghèo
Bến Tre là 1 trong những tỉnh ven biển chịu tác động nặng nề nhất của quá trình biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề xâm nhập mặn, nước biển dâng… hàng năm diễn biến hết sức phức tạp. Hậu quả của nó phá hủy nhiều mô hình sinh kế của bà con vùng ven biển.
Được sự tài trợ và phối hợp của tổ chức phi chính phủ Oxfam, tỉnh thực hiện dự án “Xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm hoạ và biến đổi khí hậu cho phụ nữ và nam giới tỉnh Bến Tre” (2012 – 2017).
Người dân vùng ven biển Bến Tre chọn nuôi dê để thích ứng với những biến đổi của khí hậu
Những năm trước đây, việc chăn nuôi lợn, gà, vịt… thường gặp rủi ro cao. Lợn hay bị bệnh dịch lở mồm, long móng, tai xanh, dịch tả và giá bán không ổn định. Gà, vịt thì hay bị cúm nên hộ nuôi nhiều đợt bị lỗ hoặc hoà vốn. Các hộ nghèo tại địa phương gặp nhiều khó khăn do không có việc làm ổn định, đặc biệt là phụ nữ.
Chính vì thế, Oxfam và tỉnh Bến Tre hỗ trợ người dân nghèo thực hiện mô hình nuôi dê, để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tham gia mô hình, mỗi hộ được dự án hỗ trợ 1 con dê cái, giống Bách thảo hoặc Bách thảo lai có trọng lượng từ 20 – 28kg. Các gia đình cũng được hỗ trợ 500.000 đồng để làm chuồng.
Dê bách thảo có khả năng thích ứng tốt tại các xã ven biển trong bối cảnh tác động khí hậu, thời tiết cực đoan và xâm nhập mặn gây thiếu nước cho việc chăn nuôi, trồng trọt. Tham gia dự án, hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê theo từng công đoạn từ việc làm chuồng trại, chọn lựa giống, quản lý dịch bệnh… Ngoài việc nuôi dê tạo thu nhập, người dân cũng dần nâng cao nhận thức và thực hành chăn nuôi hiện đại qua việc được hướng dẫn quản lý tốt chất thải, ủ phân, giảm tác động xấu đến môi trường.
Chuồng nuôi dê không chiếm nhiều diện tích
Chị Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1965 ở ấp Tân An, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) là 1 trong những người được dự án hỗ trợ dê để nuôi. Lúc đầu, chị rất lo ngại vì không có nhiều thức ăn cho chúng do không có đất để trồng cây, cỏ; nước ngọt chưa đủ cho sinh hoạt gia đình, sao có cho vật nuôi uống. Song qua thời gian nuôi, chị rất yên tâm vì thức ăn cho dê rất dễ tìm, từ các loại cây, cỏ mọc xung quanh nhà, vườn tạp, ngoài bờ ruộng. Dê cũng không kén ước uống. Bên cạnh đó, chuồng chỉ làm đơn sơ.
Chị vui mừng cho biết: "Do thức ăn của dê chủ yếu là cây, cỏ nên tôi tìm rất dễ, có thể đi cắt xung quanh nhà chứ không như con bò là phải trồng cỏ, mua rơm làm thức ăn cho chúng. Nước uống thì chỉ cần sạch là được. Hiện nay thời tiết mưa, nắng dễ biến bất thường nhưng dê tôi nuôi vẫn đề kháng được, phát triển tốt".
Thích ứng biến đổi khí hậu
Theo người dân, nếu giá cả dê thịt ổn định như hiện nay là 90.000 đồng/kg thì mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và giúp các hộ nuôi có cơ hội thoát nghèo.
Thức ăn cho loài vật này cũng rất dễ kiếm
Nhờ sự chăm sóc tích cực của người dân, đặc biệt là thích nghi với điều kiện của biến đổi khí hậu nên số dê nuôi đều phát triển tốt. Đến thời điểm này số dê dự án hỗ trợ người dân đã sinh thêm con. Trong đó, nhiều con sinh tới lần thứ 2.
Dê nuôi của gia đình anh Trần Văn Phong, sinh năm 1976 ở ấp Tân An, sinh 2 lần, mỗi lần sinh 2 con. Anh Phong cho biết: "Tôi mừng lắm vì dê dễ nuôi, phát triển và sinh đẻ tốt. Tôi tiếp tục nuôi để chúng sinh đẻ nhiều, bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình".
Ông Trần Văn Nở – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân chia sẻ, xã và người dân vùng ven biển chọn lựa mô hình nuôi dê Bách thảo sinh sản vì đa số là hộ nghèo, không có đất sản xuất. Nuôi dê chỉ cần diện tích nhỏ làm chuồng. Bên cạnh đó, rủi ro khi nuôi ít so với những vật nuôi khác do dê có khả năng chống chịu tốt trong thời tiết khắc nghiệt của khí hậu ven biển. Các hộ nghèo có thể hái lá làm thức ăn cho dê, không tốn chi phí mua và có thể chăm sóc vật nuôi lúc nhàn rỗi.
Việc nuôi dê giúp người dân vùng ven biển chịu nhiều tác động của khí hậu thay đổi có sinh kế ổn định hơn
"Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền về mục đích việc hỗ trợ dê của dự án để người dân nhận thức, tích cực chăm sóc vật nuôi tốt, có điều kiện thoát nghèo bền vững", ông Nở cho biết.
Mạnh Phúc
Tổng hợp
Nguồn bài viết : Loto kép